Tìm hiểu về GOOGLE RANKBRAIN: Trí tuệ nhân tạo thông minh hơn cả các kỹ sư thiên tài

Nếu bạn là một SEO-er, việc tìm hiểu về RankBrain là vô cùng cần thiết. Tại sao ư? Google gần đây đã thông báo rằng RankBrain chính là tín hiệu xếp hạng quan trọng thứ 3 của họ và nó đang dần trở nên quan trọng hơn mỗi ngày. Trong bài viết này, bạn sẽ học được mọi thứ bạn cần biết về thuật toán RankBrain của Google.

1. Google RankBrain là gì?

RankBrain là tên mà Google đặt cho hệ thống trí tuệ nhân tạo Machine-learning được sử dụng để giúp Google xử lý kết quả tìm kiếm. Nói một cách khác, nó là một thuật toán được Google sử dụng sắp xếp các kết quả tìm kiếm, giúp xử lý và hiểu các truy vấn tìm kiếm.

Nhờ có RankBrain, Google có thể xử lý và hiểu được các truy vấn tìm kiếm một cách chính xác hơn, nhờ đó trả về cho người dùng kết quả phù hợp nhất.

2.  RankBrain khác biệt ra sao với những thuật toán trước đó của Google?

Trước RankBrain, 100% thuật toán của Google được mã hóa thủ công, quá trình này đòi hỏi sự tham gia của khá nhiều người, bao gồm lập trình viên và những người kiểm thử (testers).

Tất nhiên là ngày nay các kỹ sư vẫn làm việc dựa trên các thuật toán, tuy nhiên RankBrain cũng làm được điều đó, thậm chí còn tốt hơn cả con người bởi nó có thể “hiểu” được ý định đằng sau tìm kiếm.

Nói cách khác, RankBrain giống như một con robot thông minh, nó có thể hiểu người dùng đang muốn tìm kiếm cái gì, từ đó cung cấp cho bạn kết quả tìm kiếm phù hợp nhất, làm hài lòng bạn.

Tại sao lại như vậy? Sức mạnh của RankBrain là ở chỗ này:

Ví dụ, tùy thuộc vào từ khóa, RankBrain sẽ tự động điều chỉnh tăng hoặc giảm mức độ quan trọng của các liên kết ngược (backlink), độ mới, độ dài của nội dung và quyền hạn của tên miền. Sau đó, nó xem xét đến cách mà người tìm kiếm của Google tương tác với kết quả tìm kiếm mới. 

Nếu kết quả tìm kiếm mà nó cung cấp không làm hài lòng bạn, RankBrain sẽ  tự động ghi nhớ để lần sau mang lại cho bạn một kết quả phù hợp hơn. Vì vậy, thuật toán này có khả năng “học hỏi” để liên tục làm “thỏa mãn” bạn.

Và chúng ta không hề nói quá khi cho rằng RankBrain là một trí tuệ nhân tạo thông minh hơn cả những kỹ sư thiên tài.

Google đã yêu cầu một nhóm kỹ sư của họ xác định trang tốt nhất cho một từ khóa, đồng thời họ cũng thực hiện điều này trên RankBrain. Kết quả cho thấy, RankBrain đã vượt các kỹ sư của Google 10% cho ra những kết quả tốt hơn!

Bây giờ bạn đã có cái nhìn tổng quan về RankBrain, hãy cùng nghiên cứu sâu hơn về cách hoạt động của RankBrain.

3. RankBrain hoạt động như thế nào?

RankBrain có hai nhiệm vụ chính gồm:

1. Hiểu các truy vấn tìm kiếm (từ khóa)

2. Đo lường cách con người tương tác với kết quả, tức là đo sự hài lòng của người dùng với kể quả đó.

Làm thế nào RankBrain hiểu được bất kỳ từ khóa nào mà bạn tìm kiếm?

Vài năm trước, Google đã gặp phải những vấn đề:

- 15% từ khóa mà mọi người đã gõ vào Google không được tìm thấy.

- 15% từ khóa không đạt được kết quả tìm kiếm như ý.

Lý do là vì trước khi có RankBrain, Google sẽ quét các trang để xem nó có chứa từ khóa chính xác mà người dùng tìm kiếm hay không. Nhưng vì những từ khóa này hoàn toàn mới mẻ, Google khó có thể xác định được người dùng thực sự muốn gì.

Ví dụ: Giả sử bạn tìm kiếm "bảng điều khiển màu xám được sản xuất bởi Sony". Google sẽ tìm kiếm các trang chứa cụm từ "màu xám", "bảng điều khiển", "sản xuất" và "Sony".

Ngày nay, RankBrain hiểu rõ nhưng gì bạn muốn hỏi và nó cung cấp cho bạn kết quả chính xác 100% - không tệ chút nào!

Vậy điều gì đã được thay đổi để mang lại kết quả tìm kiếm tốt hơn? Trước đây Google sẽ cố kết hợp các từ trong truy vấn tìm kiếm của bạn với các từ trên một trang. Tuy nhiên bây giờ RankBrain sẽ cố gắng để “hiểu” được ý nghĩ của bạn. Bạn biết đấy, nó giống như một con người phải không nào?

Vậy nó đã làm thế nào?

RankBrain sẽ kết hợp các từ khóa chưa từng thấy trước đây với những từ khóa mà Google đã tìm thấy trước đó để đưa ra những kết quả tương tự.

Ví dụ: Google RankBrain có thể nhận thấy rằng rất nhiều người tìm kiếm cụm từ "bảng điều khiển màu xám được sản xuất bởi Nintendo".

Nó nhận ra rằng những người tìm kiếm "bảng điều khiển màu xám được sản xuất bởi Nintendo" muốn xem một loạt kết quả về các bảng điều khiển trò chơi. Vì vậy, khi ai đó tìm kiếm "bảng điều khiển màu xám được sản xuất bởi Sony", RankBrain sẽ cho những kết quả tương tự với từ khóa mà nó đã biết ("bảng điều khiển màu xám được sản xuất bởi Nintendo"). Vì vậy, nó cho thấy kết quả về bảng điều khiển.

Thêm một ví dụ khác, cách đây không lâu Google có đăng tải một bài blog nói về việc họ sử dụng thuật toán thông minh (hay Machine - learning) để hiểu rõ hơn ý định của người tìm kiếm. Tại bài viết đó, họ gọi công nghệ này là “Word2vec”, nó có thể chuyển từ khóa thành các khái niệm.

Cụ thể, Google cho biết, Word2vec có thể hiểu rằng Paris và France (Pháp) có liên quan đến nhau tương tự như Berlin và Germany (Đức) (Thủ đô và quốc gia).

Mặc dù bài viết này không đề cập đến RankBrain nhưng RankBrain cũng sử dụng công nghệ tương tự.

Nói tóm lại:  Google RankBrain vượt xa sự so sánh từ khóa đơn giản. Nó biến từ khóa tìm kiếm của bạn thành các khái niệm... và cố gắng tìm kiếm các trang chứa khái niệm đó.

4. Làm thế nào RankBrain đo lường được sự hài lòng của người dùng?

Chắc chắn, RankBrain có thể cố gắng để hiểu các từ khóa mới. Và nó thậm chí có thể tinh chỉnh các thuật toán của riêng mình. Nhưng câu hỏi lớn đặt ra là: Khi RankBrain cung cấp một bộ kết quả, làm thế nào để biết đó chính là cái mà người dùng đang mong muốn?

(Ảnh minh họa)

Có thể hiểu, RankBrain hiển thị một bộ kết quả tìm kiếm mà nó cho rằng bạn cần. Nếu nhiều người thích một trang cụ thể nào đó trong bộ kết quả, nó sẽ sắp xếp cho trang đó ở thứ hạng tăng dần lên.

Nếu người dùng không thích kết quả đó? Nó sẽ giảm thứ hạng trang đó xuống và thay thế bằng một trang khác. Và lần tiếp theo, nếu ai đó tìm kiếm từ khóa đó (hoặc thuật ngữ tương tự), họ sẽ thấy nó hoạt động như thế nào.

RankBrain quan sát cụ thể điều gì?

Nó xem xét rất nhiều đến cách bạn tương tác với kết quả tìm kiếm. Cụ thể, nó đang xem xét:

- Tỉ lệ nhấp chuột miễn phí

- Thời gian lưu lại

- Tỉ lệ thoát trang

- Tỉ lệ Pogo-sticking

(Pogo-sticking là cụm từ chỉ hành vi của người dùng khi họ nhấp chuột vào một kết quả tìm kiếm nhưng không hài lòng và quay trở lại trang kết quả để tìm đọc một bài khác tốt hơn).

Những yếu tố trên được gọi là tín hiệu trải nghiệm người dùng (tín hiệu UX).

Hãy xem xét một ví dụ như sau:

Bạn bị giãn cơ lưng khi đang chơi quần vợt. Vì vậy, bạn tìm kiếm "giãn cơ bắp" trên Google.

Hầu hết mọi người đều click chuột vào kết quả đầu tiên. Thật không may, đoạn giới thiệu của bài đó chỉ là những nội dung bao quát bên ngoài chứ không đề cập đến vấn đề mà bạn đang quan tâm (chẳng hạn "lưng của bạn là một nhóm cơ quan trọng ...").

Vì vậy, bạn nhấn nút quay lại và tiếp tục click chuột vào kết quả thứ hai:

Trang này cũng không tốt hơn. Nội dung của bài là những lời khuyên chung chung như "nghỉ ngơi và băng bó lại". Vì vậy, bạn nhấn nút quay lại trình duyệt một lần nữa và tìm đến kết quả thứ 3.

Đây rồi! Kết quả này CHÍNH XÁC những gì bạn đang tìm kiếm.

Vì vậy, thay vì quay trở lại (back) như những lần trước, bạn dành hẳn 5 phút để đọc nội dung bài. Với kết quả này, bạn đã tìm được những gì mình cần và sẽ không quay lại trang kết quả tìm kiếm để đọc thêm một bài khác nữa.

Việc này diễn ra nhiều lần được gọi là "Pogo-sticking". Và đó là thứ RankBrain chú ý nhiều.

Google sẽ nhận định một website là “trang loại kém” nếu người dùng nhanh chóng thoát khỏi trang đó để nhấp chuột vào một kết quả tìm kiếm khác.

Ngược lại, nếu Google nhận thấy nhiều người dùng DỪNG Pogo-sticking và chú ý vào một kết quả cụ thể nào đó, họ sẽ sắp xếp cho trang đó thứ hạng cao hơn để người dùng dễ tiếp cận hơn. 

Trước khi nói nhiều hơn về việc tối ưu các tín hiệu trải nghiệm người dùng (UX), chúng ta sẽ cùng xem RankBrain đã thay đổi cách nghiên cứu từ khóa của các SEO-ers như thế nào?

Sẽ có nhiều hơn nữa những tối ưu hóa các tín hiệu UX trong chương 4 và 5. Tuy nhiên hiện tại, đã đến lúc tôi cho bạn thấy RankBrain thay đổi cách mà các nghiên cứu từ khoá hoạt động như thế nào.

5. Nghiên cứu từ khoá trong “thế giới” RankBrain

Như bạn đã thấy, Google giờ đây có thể hiểu được người dùng muốn gì sau một từ khóa. Điều đó có nghĩa là việc nghiên cứu từ khóa truyền thống đã chết?

Không phải. Điều này chỉ cho thấy bạn cần phải tinh chỉnh quá trình nghiên cứu từ khoá của bạn để nó “thân thiện hơn” với RankBrain.

Và đây là cách mà chúng ta nên làm:

Bỏ qua từ khoá dài - long tail keyword

Với sự có mặt của RankBrain, từ khóa dài được xem là đã lỗi thời và bị khai tử.

Trước đây, những từ khóa dài được dùng để tạo ra hàng trăm trang khác nhau, mỗi trang để tối ưu hóa một từ khóa khác nhau.

Ví dụ: bạn muốn tạo một trang để tối ưu cho từ khóa "công cụ nghiên cứu từ khóa tốt nhất", một trang khác được sử dụng để tối ưu hóa cho cụm từ "công cụ tốt nhất cho nghiên cứu từ khóa".

Với cách làm này, trước kia Google sẽ xếp hạng mỗi trang này theo các từ khóa dài tương ứng.

Tuy nhiên ngày nay, RankBrain hiểu rằng những thuật ngữ này về cơ bản giống nhau. Vì vậy, kết quả tìm kiếm trả về cho hai cụm từ khóa “công cụ nghiên cứu từ khóa tốt nhất” và “công cụ tốt nhất cho nghiên cứu từ khóa” gần như giống hệt nhau. Tóm lại, tối ưu hóa cho các từ khóa dài không còn ý nghĩa nữa.

Trong tình huống này, các SEO-ers phải làm sao? Hãy tiếp tục đọc để tìm câu trả lời:

Tối ưu Từ khoá Trung bình - medium tail keyword

Thay vì từ khóa dài, bạn nên tối ưu nội dung quanh Từ khoá Trung Bình - từ khóa có độ dài khoảng 3 - 4 từ.

Từ khóa Trung bình là các cụm từ trung gian. Chúng nhận được lượng tìm kiếm nhiều hơn so với từ khóa dài và không có độ cạnh tranh quá cao.

Ví dụ: Đây là tập hợp các từ khoá xung quanh chủ đề "Chế độ ăn kiêng Paleo - Paleo Diet". Các cụm từ ở giữa là Từ khoá Trung bình.

(ảnh minh họa)

Khi bạn tối ưu hóa bài viết xung quanh một từ khóa trung bình (và làm cho trang đó trở nên tuyệt vời), RankBrain sẽ tự động xếp hạng bài đó với hàng ngàn từ khóa tương tự có liên quan.

Nói tóm lại, bạn nên tối ưu hóa bài viết của bạn xung quanh một từ khóa duy nhất (Chỉ cần chắc chắn rằng đó là một từ khoá Trung Bình). Sau đó, để RankBrain xếp hạng bài viết của bạn cho nhiều từ khóa khác nhau.

Ví dụ về nghiên cứu từ khóa và SEO on-page với RankBrain.

Brian Dean cho biết, sau một khoảng thời gian sử dụng, ông quyết định viết bài đánh giá cho tất cả các công cụ SEO mà ông từng sử dụng. Bài viết có tên “SEO tools: The complete list”

Trong bài viết, tác giả tập trung tối ưu cho một từ khóa duy nhất là “SEO tools”, vì vậy nó nằm trong top 5 trên trang kết quả tìm kiếm trả về của Google.

Quan trọng hơn, RankBrain hiểu rằng bài viết của Brian Dean nói về các khái niệm như: "SEO tools - Công cụ SEO", "SEO softwares - phần mềm SEO", "keyword research tools - công cụ nghiên cứu từ khoá",.v.v.

Đó là lý do tại sao trang đơn này được xếp hạng cho 1.800 từ khóa khác nhau (theo SEMrush):

(Ảnh minh họa)

Ví dụ trên chính là minh họa rõ ràng nhất cho việc tối ưu hóa nội dung xung quanh một từ khoá trung bình.

6. Làm thế nào để Tối ưu Tiêu đề và Thẻ mô tả để tăng CTR?

Như bạn thấy, tỉ lệ nhấp chuột (CTR) không phải trả tiền là một trong những tiêu chuẩn xếp hạng chính của RankBrain. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào bạn có thể khiến mọi người nhấp vào kết quả của bạn?

Vâng, đó chính xác là những gì bài viết sắp đề cập đến.

  • Tiêu đề hấp dẫn, thân thiện

Không cần phải tranh cãi nhiều, tiêu đề bài viết có cảm xúc luôn thu hút người đọc hơn một tiêu đề “vô hồn, không thân thiện”.

Dưới đây là 3 mẹo giúp tiêu đề của bạn chiếm được cảm tình của RankBrain:

1. Thêm dấu ngoặc đơn hoặc ngoặc kép vào cuối tiêu đề

Theo một nghiên cứu trên 3.300.000 tiêu đề bài viết, những bài viết có tiêu đề chứa dấu ngoặc cho thấy tỷ lệ click cao hơn bài viết với tiêu đề thông thường 33%.

2. Sử dụng các con số (không chỉ ở tiêu đều và còn trong danh sách của các bài viết).

Dữ liệu từ nhiều nguồn (bao gồm cả BuzzSumo) cho thấy, một tiêu đề có chứa con số cải thiện CTR hơn so với tiêu đề thông thường.

3. Dùng động từ mạnh, tính chất mạnh.

Đây là một trong những cách hiệu quả giúp tăng CTR cho bài viết. Một tiêu đề có cảm xúc luôn thu hút người đọc hơn những tiêu đề khác.

  • Tối ưu thẻ mô tả (meta description)

Một thẻ mô tả (đoạn giới thiệu) hấp dẫn góp phần đáng kể tăng CTR cho bài viết, để tối ưu thẻ mô tả, bạn nên tham khảo những ý sau:

  1. Viết đoạn mô tả có cảm xúc.

  2. Thuyết phục người dùng VÌ SAO nên đọc bài viết của bạn.

  3. Sao chép từ khóa từ phần quảng cáo của Adwords.

Những quảng cáo AdWords thường đã được tối ưu rất tốt để thu hút người dùng. Vì vậy, bạn chỉ cần sao chép (copy) từ khóa mà AdWords dùng bổ sung vào phần mô tả của mình.

    4. Đưa từ khóa bạn đang cần tối ưu vào trong đoạn mô tả.

7. Làm thế nào để giảm tỷ lệ thoát trang Bounce Rate và tăng thời gian người dùng lưu lại trên website?

Thời gian lưu lại trang của người dùng là tiêu chí đánh giá chất lượng khá quan trọng của một website. Theo đó, nếu người dùng lưu lại trên trang lâu đồng nghĩa với việc "trang bạn tốt" và nếu người dùng thoát khỏi trang web của bạn chỉ sau 2 giây điều đó nói cho Google biết rằng "đây là một website tồi".

Vậy làm thế nào để giảm tỷ lệ thoát trang Bounce Rate?

Dưới đây là những lời khuyên để người dùng lưu lại trên trang của bạn lâu hơn:

1. Đưa nội dung quan trọng lên trên đầu

Khi click vào trang, người dùng cần được trả lời ngay vấn đề họ quan tâm, vì thế tốt nhất bạn nên đẩy nội dung quan trọng lên đầu.

2. Sử dụng phần miêu tả ngắn gọn

Bạn có thể không tin nhưng tôi quan tâm nhiều đến phần giới thiệu hơn là tiêu đề vì phần này quyết định đến 90% việc đi hay ở lại trang. Vì khi tìm kiếm điều gì đó ở Google thì họ đã biết về chủ đề đó, vì thế họ không cần giải thích dài dòng họ muốn bài viết có giải quyết được vấn đề đó không.

3. Sản xuất bài viết có nội dung sâu và dài

Thực tế cho thấy nội dung dài có thể trả lời đầy đủ những truy vấn của người tìm kiếm. Ví dụ bạn tìm kiếm từ khóa "làm thế nào để chạy marathon".

Kết quả đầu tiên bạn nhấp vào chỉ là bài ngắn 300 từ với những nội dung ngắn gọn, vì vậy bạn thoát khỏi trang đó và tìm đến một bài viết tốt hơn. Điều này đã ảnh hưởng đến đánh giá của Google về trang như bài viết đã nói trước đó. Trong khi đó, bạn tìm thấy một bài viết hướng dẫn đầy đủ tất cả mọi thứ mà bạn cần bạn đọc từ đầu đến cuối, đó chắc chắn là một link tốt.

4. Chia nội dung thành các đoạn nhỏ

Một bài viết khoảng 2000 từ được trình bày dưới dạng văn bản thực sự sẽ rất khó để theo dõi nếu bạn không chia đoạn. Vì thế, hãy dùng các tiêu đề phụ, chia nhỏ nội dung sẽ giúp người đọc dễ theo dõi hơn.

Ngoài việc chia nhỏ nội dung, bạn nên viết những tiêu đề phụ hấp dẫn, có cảm xúc để thu hút người đọc và giữ chân họ ở lại bài viết của mình.


Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết được chúng tôi lược dịch từ website backlinko của tác giả Brian Dean. Hy vọng với những thông tin ữu ích về RankBrain, bài viết sẽ giúp bạn tăng thứ hạng tìm kiếm website của mình như mong muốn. Hãy biến website của bạn từ "Zeros" thành "Heros" bằng việc quay lại tối ưu cho RankBrain.


Top